PHÉP MÀU ĐÃ CỨU SỐNG VỢ CON TÔI
(Và tôi mong bạn cũng đủ đức tin để phép màu luôn đến với bạn và gia đình).
Chào bạn, tôi là bác sĩ Đại.
Hôm nay tôi sẽ kể cho bạn nghe hành trình giành giật sự sống trong cơn hôn mê của một thai phụ 28 tuần nhiễm Covid nặng.
Và những thông điệp bạn có được từ câu chuyện này, chắc chắn sẽ thay đổi hoàn toàn tình trạng sức khỏe của bạn.
Khoảng 13 giờ chiều hôm đó (ngày 01/12/2021), tôi đứng trước cổng số 04 Bệnh viện Hùng Vương (Quận 5, TP. Hồ Chí Minh) nước mắt cứ trào ra. Tôi không thể kìm lại nổi khi nhìn ngang sang cổng số 2 và thấy những người đàn ông khác đang bế con và đưa vợ vừa sinh về nhà.
Tôi ước mình cũng được như thế. Nhưng với con mắt chuyên môn, tôi và các bác sĩ đồng nghiệp đều hiểu, cơ hội sống của vợ tôi gần như không có.
Thai 28 tuần, chưa tiêm mũi vắc xin ngừa covid nào, cộng với việc vào viện quá trễ (ngày thứ 10 kể từ lúc khởi phát bệnh), phổi của cô ấy đã bị tổn thương quá nặng, gần như trắng xóa (nghĩa là không còn chức năng trao đổi khí để cung cấp oxy cho cô ấy thở nữa). Bạn có thể nhìn 2 hình dưới để cảm nhận được.
Kể từ lúc đưa vợ vào Khoa cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark (nơi tôi làm việc) (lúc 03h00 ngày 29/11/2021) đến bấy giờ (ngày 01/12/2021) tôi không biết mình đã khóc bao nhiêu lần, cầu xin Chúa bao nhiêu lần. Nhưng cứ nghĩ tới cái phim Xquang tim phổi của cô ấy chụp lúc vào viện, tôi biết mẹ con cô ấy đang dần tụt khỏi tay tôi. Nước mắt tôi lại cứ tuôn ra.
Vợ chồng tôi ở thuê trong một căn chung cư tại Samrosa Riverside, ngay gần cầu Đồng Nai. Bố mẹ vợ tôi (ông bà ngoại) thì ở Phường Trảng Dài, Biên Hòa, Đồng Nai. Nhà có 2 vợ chồng, vợ bầu ốm, nhưng tôi vẫn phải đi làm trên Bệnh viện suốt ngày. Nên bố mẹ và chị gái phải chạy một quãng đường xa đến để trông nom. Chiều 26/11/2021, cô ấy cảm thấy trong người rất mệt, và ngỏ ý muốn về bên bà ngoại để tiện việc chăm sóc, cho ông bà không phải đi lại xa xôi. Sau một hồi suy nghĩ, chúng tôi quyết định sáng hôm sau sẽ đưa cô ấy về bên ngoại. Na (tên đầy đủ của vợ tôi là Lê Thị Na) được ông bà sắp xếp cho cách ly ở một căn nhà người quen cách ông bà ngoại khoảng 2-3Km. Thú thật, tôi cảm thấy không thoải mái trong lòng, bởi nhà 2 vợ chồng ở chung cư rộng rãi sạch sẽ, thoáng mát, cô ấy có thể cách ly trong 1 phòng và ông bà ở lại 1 phòng để chăm con gái. Tự nhiên sang đây, cô ấy lại một mình lủi thủi trong căn nhà hoang. Nhưng đưa sang rồi, vì tôi không muốn làm ông bà buồn, nên 2 vợ chồng ở lại. Tôi vẫn phải đi làm trên Bệnh viện, nhưng liên tục nhắn tin gọi điện cho Na: “Hay anh đưa em vào bệnh viện dã chiến điều trị nhé.” “Vào bệnh viện à. Nhưng … em vào đó không có ai chăm em cả. Anh thì vẫn phải đi làm. Bố mẹ già rồi, nhỡ vào đó nhiễm bệnh thì không biết làm sao.” “Em vào viện thì anh sẽ xin nghỉ để chăm em. Trong đó còn có anh chị em đồng nghiệp anh quen nữa, mọi người sẽ cùng chăm sóc em.” Trước đó, tôi có tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân covid tại Bệnh viện dã chiến số 6, Biên Hòa, Đồng Nai từ 01/9/2021 – 20/10/2021. Nên tôi dự định làm thủ tục để đưa cô ấy vào đó. Nhưng lúc đó, không có sự đồng thuận quan điểm trong gia đình, nên Na vẫn ở nhà (theo ý chị gái. Chị gái đầu của Na ở Quận 12, TP. HCM. Chị đã về dưới này 2-3 hôm nay để nhận chăm sóc Na theo cách chị học từ cộng đồng chị tin tưởng) mà không vào viện (theo ý tôi, một bác sĩ). Đêm đầu tiên ở đó, tôi về lại chung cư để làm việc, chị gái trông nom Na, cô ấy sốt, nói sảng và ho nhiều. Chị gái gọi cho tôi, nhưng vì không liên lạc với nhau bao giờ, nên chị gọi vào số điện thoại mà tôi không dùng. Sáng hôm sau (28/11) tôi gọi cho Na, cô ấy bảo đêm qua em mệt, ho ra máu nữa, nhưng giờ thấy đỡ hơn rồi. “Sáng anh làm xong việc, trưa anh qua với vợ nhé” Tôi bảo vậy.
Đầu giờ chiều tôi sang với vợ, nhìn thấy có vẻ không ổn, tôi chạy ngay đi kiếm cái kẹp SpO2, kết quả hiện lên 76-78%. Tôi hoảng loạn, không nói với ai được câu nào. Trong tất cả các kinh nghiệm của một người bác sĩ, SpO2 chỉ cần dưới 93% đã là báo động, dưới 85% là suy hô hấp nặng rồi. Covid có gây co mạch ngoại vi, nhưng cũng không thể thấp thế này được. “Vợ thấy khó thở không?” “Không” Na lắc đầu nhẹ. Cầm điện thoại lên gọi cho tất cả bạn đồng nghiệp ở gần khu nhà vợ nhờ mượn giúp bình oxy. Tôi gọi sang Bệnh viện dã chiến số 6 để nhờ anh em bên đó, cho vợ tôi nhập viện. Tôi chạy ra y tế phường để khai bao, xin giấy chuyển vào bệnh viện (Nhưng y tế phường không giúp được gì. Người trả lời điện thoại bảo rằng đợi vài hôm nữa có đội cấp cứu cơ động). Tôi nhờ chị báo cho anh rể cấp tốc đưa máy tạo oxy về cho Na dùng. Sau một hồi chờ đợi, anh em bên Bệnh viện dã chiến báo tôi qua chở bình oxy về cho Na dùng. Lúc đó trời mưa rào, dắt xe ra tôi suýt trượt ngã. Nhưng ta làm sao ngã được lúc như vậy chứ! Tôi xả oxy hết cỡ (15l/phút), cho Na thở mặt nạ túi, SpO2 lên dần, nhưng tối đa cũng chỉ 88-90%. Cô ấy thấy khỏe hơn. Tôi cho Na dùng thêm thuốc chống đông và kháng viêm, và hy vọng đêm nay sẽ ổn. Bình oxy cỡ vừa nên chỉ khoảng 1 tiếng sau đã hết. Tôi chuyển sang dùng máy tạo oxy. Nhưng cái máy này công suất yếu, tối đa chỉ được 5lít khí/phút (với nồng độ oxy 40%), nên Na lại khó thở. Cô ấy nằm xuống, liu thiu là bắt đầu nói sảng. “Vợ, em sao đấy, thấy thế nào?” Vuốt vuốt tóc Na tôi hỏi. “Em không sao” Cô ấy trả lời rồi lại nhắm mắt, rồi lại nói sảng. Tôi nhìn SpO2 liên tục, nó chỉ 86-87%. Trong lòng không an. Tôi nhắn tin báo cho các bạn bên Bệnh viện dã chiến, xem có thể cho Na nhập viện được không. Nhưng các bạn ấy báo hiện tại Bệnh viện dã chiến không còn nhận thai phụ nữa. Khoảng 1h sáng (bước sang ngày 29/11) sau khi dậy đi vệ sinh, tôi vào bật đèn, kéo chăn để kiểm tra chân tay vợ. Tôi lạnh toát người khi thấy tay chân em tím tái. “Vợ, vợ ơi…” Tôi vỗ mạnh vào vai em “Em thấy sao?” Tôi hỏi như muốn khóc. “Em không sao” Na trả lời. “Không ổn rồi, anh đưa em vào viện nhé.” “Vào viện à?” Cô ấy hỏi lại trong khi mắt nhắm mê man. Tôi cầm điện thoại lên, gọi tất cả những số tôi có, tất cả những người tôi có thể gọi. Nhưng lúc đó là hơn 1h sáng, làm gì có ai thức mà nhấc máy chứ. Một cảm giác bất lực chiếm trọn tâm trí tôi. Tôi cảm nhận được nỗi đau của người nhà, của những câu chuyện trên báo và mạng xã hội về những trường hợp người nhà gọi cầu cứu mà không được. Chị gái Na nằm trên gác. Tôi gọi chị “Chị V ơi, phải đưa Na vào viện thôi. Không thể ở nhà được nữa. Em mất Na tới nơi rồi”. Trong cơn mê ngủ, do mấy hôm chạy qua chạy lại chăm Na, chị không nghe rõ tôi gọi. Mãi sau mới định hình được. “Sao phải vào viện? Em có muốn đưa Na lên Bệnh viện X,Y, Z không?” Tâm trí tôi lúc đó chỉ có 1 mong muốn duy nhất “Làm sao để có oxy ngay cho Na thở. Có oxy là cô ấy có thể sống”. “Vợ khoác áo này vào nhé. Em ôm thêm cái vỏ chăn này nữa”. Dắt xe máy ra khỏi cổng, tôi định hình sẽ đưa vợ vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, chỉ cách đấy khoảng 6-7Km. “Vợ, ôm chặt anh” tôi vòng tay trái ra sau, kéo 2 tay em cho vào 2 túi ao tôi. Tôi sợ em mê đi, sợ em sẽ đi mãi. Tôi hỏi: “Vợ, em nhớ mình quen nhau thế nào không?” “Mình quen nhau trên mạng, qua Facebook” Na trả lời mà tôi mừng quá. Cô ấy vẫn còn tỉnh. Vì lý do nào đó, Na thấy facebook tôi, rồi gửi lời mời kết bạn. Tôi thì như một thói quen, tưởng là bạn sinh viên y dược nào đó cần hỏi cách để học nhàn mà hiệu quả, nên luôn trả lời “uh em”. Và rồi ngày nào cô ấy cũng nhắn tin cho tôi. Chuyện của chúng tôi bắt đầu như vậy đấy. “Vợ có thương anh, có thương con không?” “Em có.” “Vậy em ôm anh thật chặt nhé. Giờ anh sẽ đi nhanh lắm”. Tôi đến gần Bệnh viện ĐK Đồng Nai thì quyết định sẽ đến thẳng Bệnh viện tôi làm việc (đi thêm khoảng 6-7 Km), bởi lý do tôi sợ mất cô ấy mãi mãi. Chúng tôi cưới nhau mà chưa có lễ cưới, chỉ là gia đình 2 bên gặp nhau trong 1 ngày duy nhất, cô ấy mới chỉ về nhà tôi duy nhất 1 lần lúc tôi quyết định sẽ đưa cô ấy về ra mắt bố mẹ. Nghĩa là cô ấy chưa về nhà chồng lần nào với tư cách một người con dâu. Chúng tôi cũng chưa đi chơi cùng nhau ở đâu, ngoài đợt bố và em gái tôi vào thăm tôi, mọi người cùng đến tham quan Dinh độc lập. Na luôn nói: “Có một nơi em để dành để đi với người đặc biệt, đó là Sapa. Em chỉ đi ở đó với người em yêu thôi. Sau này mình đi nhé”. Tôi sợ mất cô ấy mãi mãi. Tôi vít ga chạy thật nhanh, thêm một đoạn đường 6-7Km nữa. “Em thấy thích không? Cảm giác lạnh lạnh này, được ngồi sau ôm gấu nữa chứ. Giống như mùa đông ở Hà Nội đấy. Nó cũng giống ở Tam Đảo, giống Sapa nữa. Sau khi em khỏe lại, mình sẽ đi Sapa nhé” Na ôm chặt tôi.